Hiểu Sống Đức Tin: Làm Sao Biết Được Lễ Phục Sinh Sẽ Vào
Ngày Nào?
(catechesis.net – 26-3-2016)
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Hôm nay Chúa Nhật, ngày 27 tháng 03
năm 2016, mừng Lễ Chúa Giêsu Phục Sinh. Năm ngoái, Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật,
ngày 05 tháng 4. Năm kia lại vào ngày 20 tháng 4. Rồi Năm trước nữa là vào ngày
31 tháng 03. Vậy tại sao cứ mỗi năm, Lễ Phục Sinh lại khác ngày tháng như vậy?
Ai chịu trách nhiệm về việc ấn định ngày Lễ Phục Sinh? Dựa vào đâu mà có thể ấn
định ngày Lễ Phục Sinh? Tại sao không ấn định một ngày cố định?
Trước tiên, cần phải nhấn mạnh rằng, việc xác
định ngày Lễ Phục Sinh cần phải dựa trên tiêu chuẩn khách quan, chứ không thể để
tùy hứng. Nói một cách cụ thể hơn nữa, khi soạn lịch Phụng vụ, Tòa Thánh không
thể tự tiện muốn xác định Lễ Phục Sinh vào ngày nào tùy ý của mình, nhất là khi
mà ngày này không phải chỉ có các Kitô hữu mới cử hành Lễ Phục Sinh, mà còn biết
bao nhiêu công sở, ngân hàng, xí nghiệp, trường học trên thế giới cũng soạn thảo
lịch sinh hoạt dựa theo ngày lễ đó nữa.
Như chúng ta đã
biết, lịch Phụng vụ của Công Giáo hằng năm có hai đại lễ: đó là lễ Chúa Giáng
Sinh và lễ Chúa Phục Sinh. Lễ Chúa Giáng Sinh thì cố định vào ngày 25 tháng 12.
Còn Lễ Phục Sinh thì sao? Thoạt tiên xem ra chẳng có năm nào trùng hợp với năm
nào cả. Nhưng trên thực tế, có một sự trùng hợp mà có lẽ ít người để ý tới: đó
là Lễ Phục Sinh năm nào cũng vào ngày Chúa Nhật. Do đó, nếu ai hỏi chúng ta rằng,
năm tới Lễ Phục Sinh sẽ vào ngày nào, thì có thể nhắm mắt trả lời mà không sợ
sai rằng: sẽ vào Chúa Nhật. Giả như họ nằng nặc muốn hỏi tiếp: Chúa Nhật ngày mấy,
tháng mấy? Lúc đó, chúng ta hãy dùng kế hoãn binh: chờ tí, để tôi xem lịch lại
đã!
Thế thì Lễ Phục Sinh năm 1997 sẽ vào
ngày mấy, tháng mấy?
Năm 1997 sẽ là
Chúa Nhật 30/3; năm 1998 là Chúa Nhật 12/4; năm 1999 là Chúa Nhật 4/4; năm 2000
là 23/4.
Tại sao mà năm 1997 là 30 tháng 3,
còn năm 2000 là 23/4? Tại sao có sự chênh lệch nhau tới gần một tháng như vậy?
Lý do là tại vì
chúng ta mừng Lễ Phục Sinh căn cứ vào Âm lịch chứ không căn cứ vào Dương lịch.
Vì thế có sự sai lệch, đại khái cũng tương tự như ngày Tết Âm lịch: năm nào mà
sớm thì trúng vào 21 tháng 01 Dương lịch (thí
dụ năm 1966), còn năm
nào mà muộn thì phải chờ tới 19 tháng 02 Dương lịch như năm 2015. Có một điều
khác biệt quan trọng (như đã nói trên đây), đó là Lễ Phục Sinh bao giờ cũng trúng vào ngày Chúa Nhật;
còn ngày mồng một tết thì có thể trùng vào bất cứ ngày nào trong tuần lễ.
Ngoài tiêu chuẩn thứ nhất (Lễ Phục
Sinh phải là ngày Chúa Nhật) còn có tiêu chuẩn nào khác nữa không? Có thể chọn
bất cứ ngày Chúa Nhật nào hay không?
Thực ra, nói được
rằng tiêu chuẩn ngày Chúa Nhật chỉ là thứ yếu. Có một tiêu chuẩn nữa quan trọng
hơn để ấn định ngày Chúa Nhật nào trong năm, đó là tiêu chuẩn trăng tròn. Ở Việt
Nam, nói tới trăng tròn chúng ta liên tưởng ngay tới lễ Trung Thu, khi mà chúng
ta ra ngắm chú Cuội ở trên cung trăng với chị Hằng. Nhưng chúng ta quên một dịp
khác để đi ngắm trăng tròn, đó là lễ Trung Xuân. Lễ Phục Sinh trùng vào dịp
trăng tròn của Trung Xuân.
Lễ Phục Sinh là lễ mừng Chúa Giêsu sống
lại. Việc Chúa sống lại có liên quan gì tới mặt trăng đâu?
Dĩ nhiên là Lễ Phục Sinh chẳng có liên hệ gì tới
mặt trăng hết. Nhưng mà theo thói thường, khi mừng một lễ nào đó, dù là trong
gia đình hay làng xóm hay quốc gia, người ta thường căn cứ vào ngày giáp năm của
biến cố được nhắc tới. Thí dụ trong một quốc gia, ngày quốc khánh được mừng vào
dịp giáp năm ngày tuyên bố độc lập hay tuyên bố hiến pháp. Lễ Chúa Phục Sinh
cũng được cử hành dựa trên tiêu chuẩn đó, nghĩa là vào dịp giáp năm của biến cố
Đức Kitô sống lại từ cõi chết.
Thế nhưng, làm
sao biết được Chúa sống lại vào ngày nào? Phúc Âm không cho ta biết đích xác
ngày tháng dựa theo Dương lịch mà ta đang sử dụng. Nhưng Phúc Âm cho ta một chi
tiết rất là quan trọng, đó là việc Chúa chịu chết và sống lại xảy ra vào dịp
người Do thái cử hành lễ Vượt Qua. Tôi xin nhắc lại: đây là một chi tiết rất
quan trọng, bởi vì nó giúp cho chúng ta không những là tính được ngày tháng xảy
ra biến cố, mà còn hiểu được ý nghĩa thần học của nó.
Thế nào là ý nghĩa thần học của lễ
Chúa Phục Sinh?
Ở đây, tôi
không muốn nói tới những ý nghĩa mà biến cố Chúa Phục Sinh mang lại cho nhân loại,
tựa như là ơn cứu chuộc hoặc ơn thân xác sẽ sống lại, nhưng mà ý nghĩa của ngày
lễ.
Nguồn gốc của từ
này bởi tiếng Do thái “pesa” hay là “pasa”, có nghĩa là: đi ngang qua, hay là nhảy
nhót. Thường thì ý nghĩa “đi ngang qua” thông dụng hơn, và trong tiếng Việt, chúng ta thấy có từ ngữ lễ “Vượt
Qua”. Nói tới “Vượt
Qua” thì chúng ta dễ liên tưởng tới việc dân
Do thái vượt qua biển Đỏ, biểu tượng của một cuộc giải phóng: dân Do thái từ cảnh
nô lệ Ai cập băng qua biển Đỏ để vào vùng Đất Hứa, vùng đất tự do. Tuy nhiên,
đó là mình tán ra vậy thôi, chứ thực ra, khi mừng lễ “Pascha”, người Do thái tiên vàn nhớ lại việc
Chúa đi ngang qua nhà họ, và đã cứu họ qua việc trừng phạt dân Ai cập, bằng việc
giết các con đầu lòng của dân này. Đó là điều mà chúng ta đọc ở sách Xuất Hành,
chương 12, đặc biệt là các câu 12-14.26-27.
Trong chương
12, chúng ta còn đọc thấy vài chi tiết về cách thức mừng lễ, chẳng hạn giết một
con chiên tơ, ăn rau diếp đắng. Một điểm đáng cho chúng ta lưu ý, là Tân ước
không những cho ta biết rằng Chúa Giêsu đã tử nạn và phục sinh vào dịp người Do
thái mừng lễ “Vượt Qua”, mà còn coi chính Đức Kitô là “Chiên
Vượt Qua” (x. 1Cr 5,6-8; Ga 19,35-36). Chính nhờ máu của Ngài đổ ra mà chúng ta được giải thoát khỏi
cái chết. Thánh Gioan cũng coi cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô như là một
cuộc “Vượt Qua”, nghĩa là sau khi từ Chúa Cha đến trần gian, bây giờ Đức Kitô lại
từ trần gian trở về với Chúa Cha (Ga 13,1). Chính vì ý nghĩa thần học súc tích như vậy, cho nên Phụng vụ gọi
là Phục sinh là “Pascha”.
Còn việc xác định ngày tháng thì sao?
Chính vì biến cố
Đức Kitô tử nạn và phục sinh đã diễn ra nhân dịp người Do thái mừng lễ“Pascha” (tạm dịch là lễ Vượt Qua), cho nên Giáo Hội cử hành Lễ Phục Sinh
trùng vào dịp người Do thái cử hành lễ Vượt qua. Như vậy, vấn đề cần biết là
người Do thái cử hành lễ Vượt qua vào ngày nào? Lịch Do thái ấn định là ngày 14
tháng Nisan, nghĩa là tháng đầu năm đối với họ.
Tại sao người Do thái lại mừng lễ Vượt
qua vào ngày đó?
Nếu ai mở chương 12 của sách Xuất Hành thì sẽ
thấy câu trả lời đơn giản: đó là tại vì Chúa đã truyền ông Moses như vậy, để tưởng
niệm đêm mà Chúa đến cứu dân Israel. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cho rằng, nguồn
gốc của nó xa hơn nhiều. Nó bắt đầu từ thói tục của dân du mục.
Suốt mùa Đông
giá rét, cả người cũng như cảnh vật ra như ủ rũ chờ chết. Sang tới mùa Xuân, cảnh
vật bắt đầu lấy lại sự sống. Cây cối đồng cỏ lấy lại màu xanh tươi. Các chú du
mục lại có thể dẫn chiên ra đồng đi ăn: có lẽ đó là nguyên ngữ của tiếng “pesa”, vừa có nghĩa là “đi
qua”, vừa có nghĩa là“nhảy nhót”. Dù nguồn gốc của ngày lễ như thế nào đi nữa, một điều chắc chắn
là nó được mừng vào ngày 14-15 (rằm) của mùa Xuân. Do đó, chúng ta có thể gọi
nó là lễ Trung Xuân(đối lại với lễ Trung Thu).
Tuy nhiên, vào
những thế kỷ đầu tiên, đã nảy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong Giáo Hội giữa
hai phe. Một phe chủ trương mừng Lễ Phục Sinh cùng ngày “Pascha” của người Do thái, nghĩa là đúng dịp trăng tròn, bất luận ngày
nào trong tuần. Phe còn lại thì chủ trương phải mừng Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa
Nhật, bởi vì Đức Kitô đã sống lại vào ngày Chúa Nhật, một ngày liền sau ngày
hưu lễ (Sabat) của người Do thái. Ngày đó được gọi là
Chúa Nhật (Dies Domini, Dominica): ngày của Chúa. Cuộc tranh luận trở thành gay cấn dưới
thời Đức Giáo Hoàng Victorio I (189-198), khi ngài tuyên cáo sẽ ra vạ tuyệt thông các giáo đoàn nào mừng
Lễ Phục Sinh vào ngày 14. Sau rất nhiều Công Nghị Miền cả bên Đông phương lẫn
bên Tây phương, tại Công Đồng Nicea năm 325 do hoàng đế Constantin triệu tập,
đã tìm cách ấn định một quy tắc chung; tuy rằng, phải chờ tới thế kỷ thứ VIII
thì khắp nơi mới chấp nhận. Quy tắc như thế này: Lễ Phục Sinh sẽ được cử hành
vào Chúa Nhật liền sau ngày 14 tháng Nisan. Ngày này sẽ không trước ngày Xuân
Phân, tức là ngày 21/3 Dương lịch, và sẽ không sau ngày 25/4 Dương lịch (như
vậy là chênh nhau trong vòng 35 ngày).
Đến thế kỷ XVI,
khi cuộc cải niên lịch dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII (1582) diễn ra bên Tây phương, từ đó, Giáo Hội Công Giáo Rôma dùng lịch
Gregorio để tính ngày Lễ Phục Sinh. Thế nhưng, các Giáo Hội Chính Thống Đông
phương không chấp nhận cuộc cải tổ trên, mà vẫn dùng lịch Julius, cho nên dẫn đến
sự thiếu nhất trí giữa các Kitô hữu trong việc cử hành Lễ Phục Sinh, khiến cho
ngày Lễ Phục Sinh của hai Giáo Hội không trùng nhau.
Công Đồng Vatican II (1963-1965)
đã bày tỏ ý kiến,
không những chung quanh đề nghị thỏa hiệp giữa các Giáo Hội Kitô để cử hành Lễ
Phục Sinh chung một ngày như nhau, mà cả chung quanh dự án làm một quyển lịch
vĩnh viễn. Công Đồng Vatican II, trong Hiến chế Phụng Vụ tuyên bố rằng: “Thánh
Công Ðồng Vatican II không phải là ít quan tâm đến nguyện vọng của nhiều người
về việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định, và về việc
thiết lập một niên lịch vĩnh viễn. Sau khi đã cẩn thận cân nhắc mọi điều có thể
xảy ra do việc đưa ra một niên lịch mới, Thánh Công Ðồng tuyên bố những điều
sau đây trong phần Phụ lục: Thánh Công Ðồng không phản đối việc ấn định ngày lễ
Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định trong niên lịch Gregoriano, miễn là
có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất là các anh em ly khai với Tông
Tòa…”.
Tuy nhiên, những
dự án này có lẽ sẽ không thành tựu trước thế kỷ XXI. Tại sao? Bởi tại Hội Nghị
thượng đỉnh ở Aleppo, Syria năm 1997, Hội Đồng Các Giáo Hội Kitô thế giới đề
nghị cải cách phương pháp tính ngày Lễ Phục Sinh dựa trên các tính toán theo
quan sát thiên văn trực tiếp; điều này giúp loại bỏ khác biệt giữa các Giáo Hội
Tây phương và Đông phương. Cải cách này được đề nghị áp dụng từ năm 2001, nhưng
cuối cùng nó không được các Giáo Hội thành viên sử dụng.