Nếu thực hiện đếm thử số ngày âm trong năm, ta sẽ phát hiện là năm 2019 (Kỷ Hợi), Âm lịch sẽ chỉ có 354 ngày nhưng đến năm 2020 (Canh Tý) thì có tận 384 ngày. Vì sao lại có sự khác biệt này? Nguyên nhân chính là do năm và tháng nhuận Âm lịch, năm Canh Tý (2020) là một năm nhuận và có tháng nhuận là tháng 4. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng nhau tìm hiểu và khám phá cách tính năm và tháng nhuận âm lịch chính xác nhất trong bài viết ngay sau đây.
Cách tính năm nhuận Âm lịch
Hiện nay, có hai cách tính lịch là theo Dương lịch và Âm lịch. Trong đó, Dương lịch được tính theo chu kỳ Trái Đất quay quanh Mặt Trời, còn Âm lịch lại được tính theo chu kỳ Mặt Trăng quay quanh Trái Đất. Âm lịch không phổ biến và được sử dụng chủ yếu ở các nước phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc,…
Năm nhuận Âm lịch thường 3 năm 1 lần (Nguồn: Internet)
Với Dương lịch, một năm sẽ có 365 ngày, tuy nhiên, chu kỳ Trái Đất quay quanh Mặt Trời là 365 + 1/4 ngày (tức là 6 giờ). Tuy nhiên, theo quy ước, mỗi năm dương chỉ có 365 ngày, nên năm Dương lịch sẽ chênh với thời gian thực là 1/4 ngày. Vì vậy, cứ sau 4 năm Dương lịch thì sẽ dư ra một ngày và sẽ có một năm nhuận một ngày. Cũng theo quy ước, ngày nhuận dương lịch sẽ rơi vào tháng 2 (tức là tháng 2 sẽ có 29 ngày).
Trong khi đó, Âm lịch lại khác, chu kỳ quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất chỉ là 29,53 ngày nên một năm Âm lịch có 354 ngày. So với Dương lịch thì ngắn hơn 11 ngày, vì vậy, cứ sau 3 năm sẽ chênh lệch đến 33 ngày, tức là hơn 1 tháng. Do đó, để phù hợp với thời tiết và mùa vụ, cứ 3 năm Âm lịch sẽ nhuận 1 tháng chứ không nhuận 1 ngày như Dương lịch.
Tuy nhiên, năm Âm lịch vẫn sẽ chậm hơn so với năm Dương lịch. Người ta khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
Trong 19 năm Dương lịch có 228 tháng Dương lịch, tương ứng với 235 tháng Âm lịch, thừa 7 tháng so với năm Dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Và 7 tháng trước đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.
Vì vậy, muốn tính năm Âm lịch có tháng nhuận hay không, ta lấy năm Dương lịch tương ứng chia cho 19, nếu chia hết hoặc cho ra các số dư 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì năm đó sẽ có tháng nhuận.
Ví dụ:
Năm Đinh Dậu 2017 vì 2017 chia 19 được 106 dư 3, có nghĩa 2017 có 1 tháng nhuận – vào tháng 6 (cách tính tháng nhuận lịch âm xem bên dưới).
Âm lịch được tính theo chu kỳ Mặt Trăng (Nguồn: Internet)
Cách tính tháng nhuận Âm lịch
Để có thể tính chính xác năm nhuận Âm lịch nhuận vào tháng nào thì chúng ta có thể tính toán, sau đó, lập thành bảng để theo dõi một cách chính xác và dễ dàng nhất.
Theo các nhà khoa học, để tính tháng nhuận Âm lịch nói chung, ta phải xác định các điểm Sóc và các điểm trung khí, tức là phải tính chính xác vị trí của Mặt Trăng cũng như Trái Đất trên quỹ đạo chuyển động.
Việc tính chính xác đến từng phút các điểm Sóc hay trung khí là một bài toán cơ học không hề đơn giản, nhất là trong trường hợp Mặt Trăng chịu ảnh hưởng nhiễu loạn không những từ sức hút của Trái Đất hay Mặt Trời mà còn của nhiều thiên thể khác như sao Mộc, sao Thổ…. Vì vậy việc này chỉ có các nhà thiên văn học mới có thể tính toán. Dưới đây là bảng tháng nhuận của năm Âm lịch gần đây và những năm sắp tới đã được các nhà thiên văn học tính toán:
Năm
1995
1998
2001
2004
2006
2009
2012
Tháng nhuận
8
5
4
2
7
5
4
Năm
2014
2017
2020
2023
2025
2028
2031
Tháng nhuận
9
6
4
2
6
5
3
Trên thực tế, tháng nhuận và năm nhuận là cách để khiến cho Dương lịch và Âm lịch không bị sai lệch với nhau quá nhiều. Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi xoay quanh việc làm sao để tính năm và tháng nhuận Âm lịch chính xác nhất. Hy vọng những kiến thức hữu ích mà bài viết cung cấp sẽ giúp ích cho cuộc sống của bạn.
Tìm hiểu về hệ thức lượng trong tam giác : Hướng dẫn sử dụng các công thức về lượng giác trong tam giác vuông và giải những bài toán liên quan đến hệ thức.Cách giải bài toán phương trình lượng giác đơn giản : Dù bạn đang đi học hay đã đang đi làm thì cũng hay ôn tập lại kiến thức về phương trình lượng giác qua bài viết này nhé!