Công tác phòng, chống thiên tai năm 2020: Bài học cho những mùa tiếp theo

Hàng triệu khối đất đá theo dòng con suối Banh ào ào trút xuống nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến 15 hộ dân bị vùi lấp.

Năm 2020 được ghi nhận là một năm thiên tai có diễn biến cực đoan, khó lường, với những đợt “lũ chồng lũ”, “bão chồng bão”. Mọi số liệu đánh giá đều vượt ngưỡng lịch sử của những mùa thiên tai đã từng xảy ra.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, ghi nhận sự tâm huyết, “lăn xả” hết mình của đội ngũ những người làm công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) từ T.Ư đến địa phương, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, là bước khởi đầu xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.

Toàn xã hội chủ động

Năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Theo thống kê, đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…

Trong năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; hơn 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại lên đến hơn 39.962 tỷ đồng.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực.

Nói đến thiên tai trong năm 2020 không thể không nhắc đến đợt mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, làm 267 người chết và gây thiệt hại 35.808 tỷ đồng.

Mưa lớn dị thường kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đã làm xuất hiện liên tiếp bốn đợt lũ lớn, 16 tuyến sông chính lũ đã vượt báo động 3, trong đó có sáu tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử.

Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài kết hợp địa hình đồi, núi dốc, địa chất phức tạp đã gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều nơi, như tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị); các xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạng của nhiều người trong đó có các cán bộ, chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

READ  Sinh năm 2020 mệnh gì? Hợp màu gì? Tính cách, sự nghiệp ra sao

Mặt khác, hầu hết các tuyến đường bộ khu vực miền núi kể cả những khu vực qua rừng nguyên sinh đều bị sạt lở, hư hỏng, với tổng chiều dài 1.015km gây chia cắt, cô lập cho nên việc tiếp cận hiện trường và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Thực tế đã chứng minh, thiên tai năm 2020 diễn ra dồn dập và hết sức khốc liệt, mặc dù còn tổn thất về người và tài sản, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành và người dân thực hiện một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Làm được điều đó, theo Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, không thể không kể đến sự nỗ lực hết mình của những người trên tuyến đầu PCTT. Cả hệ thống các cơ quan PCTT từ T.Ư đến địa phương cho đến những nhân viên của Tổng cục PCTT hay lực lượng xung kích trên tuyến đầu đối phó với thiên tai luôn ứng trực 24/24 giờ, tìm mọi giải pháp từ chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các địa phương trong công tác phòng, chống, khắc phục quả.

Năm 2020 đã chứng kiến bước chuyển biến trong công tác chỉ đạo với nhiều văn bản, chỉ thị nhanh chóng, kịp thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm mọi phương pháp sáng tạo để đưa thông tin đến với người dân sớm nhất, thông qua hệ thống nhắn tin điện thoại, mạng xã hội, từ đó giúp người dân nhận biết được sự nguy hiểm của các loại hình thiên tai, chủ động hơn trong công tác phòng, tránh.

Một nỗ lực nữa trong công tác phòng, chống cũng như giảm nhẹ thiên tai nổi bật trong năm 2020 là hợp tác quốc tế, nhằm chia sẻ thông tin về thiên tai. Đồng thời, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chia sẻ với người dân bị thiệt hại, xây dựng một xã hội ngày càng an toàn hơn trong thiên tai.

Năm 2020 cũng ghi nhận đóng góp không nhỏ của lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương điều động 411.211 lượt người/15.589 lượt phương tiện giúp nhân dân các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; kêu gọi, thông báo cho 3.187.549 người (657.466 phương tiện) nắm được hướng đi của bão và áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; hỗ trợ sơ tán 201.236 hộ dân đến nơi an toàn; sửa chữa 60.030 nhà, vận chuyển 13.823 m3 nước sạch khu vực bị hạn hán.

Rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Xây dựng xã hội an toàn, bền vững trước thiên tai

Do tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ rủi ro thiên tai có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, nhiều khu vực đã không còn an toàn. Tính mạng của người dân và thành quả của xã hội chỉ được bảo đảm khi công tác phòng ngừa và ứng phó được coi trọng và thường xuyên lồng ghép trong các hoạt động kinh tế, xã hội.

READ  Xem tử vi trọn đời tuổi Thân

Thực tế đã cho thấy, đầu tư cho công tác phòng ngừa sẽ đỡ tốn kém và thiệt hại hơn rất nhiều công tác khắc phục. Sự chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Thêm vào đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Mặt khác, việc vận dụng linh hoạt phương châm “bốn tại chỗ”, vai trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết, cùng với vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, năm 2021 vẫn là năm thiên tai diễn biến bất thường, khó lường. Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác PCTT năm 2020, rút kinh nghiệm từ thực tế chỉ đạo, điều hành, công tác PCTT trong năm 2021 cần tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác PCTT.

Theo đó, triển khai xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai. Thực hiện tốt nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của các bộ, ngành và địa phương gắn với việc triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông, kết hợp giữa phương thức truyền thống với truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai phù hợp đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng đối tượng, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương.

Nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra thì nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy cần đặc biệt quan tâm.

Theo đó, các ngành chức năng cần chú trọng ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông xuyên biên giới.

READ  Tử Vi Tuổi Giáp Thân 2004 - Nữ mạng

Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền. Thêm vào đó, các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc lắp đặt trạm theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa, trọng điểm đê điều, khu vực dân cư nguy cơ sạt lở cao, thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền trên biển.

Mặt khác, trong thời gian tới cần ưu tiên bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, nhất là đối với các tỉnh khu vực miền trung. Đặc biệt quan tâm 230 trọng điểm đê điều, 200 hồ chứa nước xung yếu, các khu vực trọng yếu sạt lở bờ sông, bờ biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

PCTT có hiệu quả hay không thiết nghĩ hoàn toàn phục thuộc vào yếu tố con người. Chính vì vậy, công việc trước mắt và lâu dài cần kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác PCTT theo hướng tập trung, thống nhất.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo. Nâng cao năng lực và tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là cơ quan đầu não, then chốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện công tác PCTT tai địa phương.

Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng hiện có đang hoạt động tại các cấp để củng cố, kiện toàn, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị thiết yếu. Từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng và các điều kiện bảo đảm để thực thi kịp thời, xử lý linh hoạt các tình huống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp các lĩnh vực của bộ, ngành, vùng, miền và từng địa phương.

PCTT không đúng cách, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhà nước và nhân dân mà còn tạo ra những nguy cơ mới. Các giải pháp cần hướng đến phát triển ổn định lâu dài, thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh về kinh tế, xã hội từng địa phương.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong mùa mưa, bão năm 2020, từ đó đánh giá, nghiên cứu thận trọng kết quả các giải pháp, lựa chọn, bổ sung những yếu tố mới, áp dụng công nghệ, để triển khai trong mùa mưa bão năm 2021 và những mùa mưa, bão tiếp theo, từ đó tiến tới xây dựng một xã hội an toàn, phát triển trong thiên tai.

TIẾN ĐẠT