Dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô người dưới 16 tuổi

Trẻ em là đối tượng luôn được Nhà nước ta quan tâm, chăm sóc và bảo vệ. Quyền và nghĩa vụ của trẻ em được quy định cụ thể trong các quy định của pháp luật, mà cụ thể là Luật Trẻ em năm 2016. Hiện nay, có hàng loạt vụ việc có liên quan đến việc xâm hại đến trẻ em, điển hình là các vụ việc xảy ra hành vi xâm hại tình dục trẻ em – một trong số đó là hành vi dâm ô trẻ em. Vậy Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như thế nào về tội dâm ô trẻ em? Công ty tư vấn Luật DFC xin giải đáp thắc mắc của bạn ngay sau đây:

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 số 01/VBHN – VPQH của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

  • Luật Trẻ em năm 2016 số 102/2016/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

  • Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145,146, 147 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;

  • Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Nội dung tư vấn

1. Dâm ô trẻ em là hành vi trái với quy định của pháp luật

Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 thì trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, hầu hết trẻ em có nhận thức nhưng chưa phát triển đầy đủ về cả mặt thể chất lẫn mặt tinh thần. Khoản 3 Điều 6 của Luật Trẻ em năm 2016 thì hành vi xâm hại tình dục trẻ em nói chung và hành vi dâm ô đối với trẻ em nói riêng là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

READ  Cửa hàng đá phong thủy Bình Định

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi dâm ô trẻ em

Hành vi dâm ô với trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Theo hướng dẫn chi tiết và cụ thể được quy định tại Điều 03 của Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có nội dung hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. 

Điều 141:Tội hiếp dâm

Điều 142: Tội hiếm dâm người dưới 16 tuổi

Điều 143: Tội cưỡng dâm

Điều 144: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi

Điều 145: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Điều 146: Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

Điều 147: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

Hành vi dâm ô đối với trẻ em theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 của Bộ luật này là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

3. Dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô người dưới 16 tuổi

Một người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu người ấy đáp ứng đầy đủ cấu thành tội phạm của tội này, cụ thể như sau:

  • Mặt khách thể của tội phạm: tội phạm này xâm phạm sự phát triển bình thường cả về mặt thể chất và tâm sinh lý của người dưới 16 tuổi; xâm phạm về danh dự và cả về nhân phẩm của họ.

  • Mặt khách quan của tội phạm: hành vi dâm ô mang tính chất loạn dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không nhằm mục đích giao cấu với người khác. Người phạm tội phạm này thực hiện một trong những hành vi sau:

    • Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

    • Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

    • Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

    • Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

    • Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).

  • Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

  • Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình.

  • Mặt chủ thể của tội phạm: chủ thể phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Lưu ý: nếu sau khi có hành vi dâm ô, người phạm tội đã thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng.

Người thực hiện hành vi dâm ô đối với trẻ em mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 146 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt bao gồm 04 khung hình phạt. Trong đó, hình phạt cao nhất là 12 năm tù giam. Ngoài ra, người thực hiện tội phạm này còn có thẻ áp dụng hình phạt bổ sung như có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

4. Các trường hợp không được coi là hành vi dâm ô trẻ em 

Theo hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết 06/2019/NQ – HĐTP thì không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non…);

  • Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước…).

Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn! Trân trọng.

    Khuyến nghị

Công ty TNHH Luật DFC cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý nhanh về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực hình sự thông qua Tổng đài trực tuyến 1900.6512 (tư vấn miễn phí).

Nếu có thắc mắc hoặc khó khăn, hãy liên hệ với Công ty để nhận được câu trả lời đúng nhất từ đội ngũ Luật sư chuyên môn, uy tín và trách nhiệm.